Năm 1986, khi bức tường Berlin còn chưa sụp đổ, sau khi Đại hội 27 ĐCS Liên Xô tuyên bố về Perestroika và Glasnost, Vaclav Havel viết ‘Người trí thức phải thường xuyên can thiệp, tận mắt chứng kiến nỗi khổ của nhân dân, đồng cảm với nỗi khổ ấy và nổi dậy chống lại những áp bức vô hình hay hữu hình, là những người luôn đặt mối nghi ngờ đối với hệ thống, với quyền lực và những bùa chú, xuyên tạc mà những quyền lực đó đặt ra’[10]. Có thể thấy, trách nhiệm ‘dám nói lên sự thật’, tự nhận là ‘người nô bộc khiêm tốn và dũng cảm của sự thật’[11] đã được nhiều trí thức Đông Âu đảm nhiệm. Đông Âu, cũng như Nga, có một đội ngũ trí thức được hình thành như một giai tầng trong xã hội -“inteligentsia”, đội ngũ được xây dựng sau chiến tranh Thế giới thứ hai, gồm nhiều trí thức tiến bộ tập hợp như một lực lượng chống Phát xít.