Thầy giáo dạy Văn cấp hai của tôi chữ xấu không thể tả nổi, mỗi khi kết thúc một tiết học, cái bảng hiện lên nham nhở như một bãi chiến trường, nó dường như là kết quả của cả một quá trình thầy vật lộn với tư duy và ngôn từ của mình, cố hết sức để truyền đạt nó tới cho người học. Thầy giáo dạy Sử hay nhất mà tôi từng học thường có thói quen, trong những lúc dạt dào cảm hứng, ngồi hẳn lên bàn giáo viên, cả trăm đứa học trò trong lò luyện thi đứa nào cũng mắt chữ O mồm chữ A nghe như nuốt từng lời, và tôi thì có thể nhớ luôn bài học, không cần phải học bài ở nhà. Thầy giáo dạy Sinh mà tôi ngưỡng mộ nhất, có lần, còn xông vào giữa giờ Văn, của đội tuyển Văn, để giảng giải về cơ chế hoạt động của não bộ. Những người thầy xuất sắc nhất mà tôi được học, không có ai dạy dỗ một cách tuần tự, đúng chuẩn, ăn mặc, ứng xử theo công thức, và vì thế, cũng chẳng bao giờ bắt chúng tôi phải “đổ vừa khuôn”. Sự không hoàn hảo, hóa ra, có sức hấp dẫn riêng của nó. Tôi luôn tìm thấy chính mình trong bài học và được tự do suy tưởng và hiểu được sự không giới hạn của tri thức, cũng như không giới hạn của cuộc sống. Không ít học sinh đã tỏ ra “phát mệt” với những giáo viên luôn cố tình tỏ ra đạo mạo, chuẩn mực, mô phạm.