Bức tường Berlin là một vết nhơ trong lịch sử nhân loại. Nó là biểu tượng của một cuộc chiến về ý thức hệ giữa hai khối tư bản và cộng sản. Trong cuộc Chiến tranh Lạnh ấy, ngoài những gì xảy ra tại Việt Nam, Triều Tiên hay Afghanistan thì bức tường chia cắt thành phố Berlin là một ví dụ tiêu biểu cho sự ngu muội, tàn nhẫn của một chế độ độc tài. Không đơn thuần là những viên gạch, bê tông hay rào sắt đã chia rẽ Berlin, mà chính là bạo quyền chính trị đã chia rẽ cả một dân tộc, đã chia rẽ cả thế giới. Dường như, không có sự chọn lựa cho những công dân xấu số trong một chế độ cộng sản. Sự tư do, dân chủ và tiến bộ bị chà đạp, nhường chỗ cho một học thuyết phi nhân bản, phi khoa học. Nhưng, bức tường Berlin không thể tồn tại lâu dài như thầm hy vọng những kẻ đã chủ mưu «sinh» ra nó, đơn giản vì khát vọng tự do, dân chủ và quyền con người đã chiến thắng mọi sự sợ hãi hay đàn áp của bạo lực. Có thể nói, sau cùng công lý cho một dân tộc chuộng tự do đã được tái lập. « Bức tường ô nhục » đã bị xoá bỏ, kéo theo sự sụp đổ của chính Liên bang Xô Viết, thành trì kiên cố của cách mạng, của nền chuyên chính vô sản, của chủ nghĩa cộng sản. Sự sụp đổ của bức tường Berlin vào đêm 9/11/1989 là một thời khắc quan trọng nhưng chắc chắn, sự cáo chung của Liên Xô mới chính là một biến cố vĩ đại nhất trong thế kỷ 20.