Nhưng kinh tế không phải là lĩnh vực duy nhất mà cơ chế kế hoạch hóa tập trung gây ra hệ quả xấu. Thực ra trong cuốn Đường về nô lệ Hayek chỉ điểm qua các tác động thuần túy kinh tế của cơ chế này. Ông chỉ ra rằng trong cuộc sống không thể tách rời “động cơ kinh tế” ra khỏi các mục tiêu khác mà con người muốn hướng tới vì một khi chúng ta không có cơ hội đạt được mục tiêu kinh tế thì khó có thể đạt được các mục tiêu khác. Khi cơ chế kế hoạch hóa tập trung ngăn cản các cá nhân quyền tự tìm kiếm thu nhập và sử dụng tài sản của mình cho những mục đích riêng tư tất dẫn đến những tác động tiêu cực về mặt đạo đức, thái độ, lối sống và cách ứng xử của con người, mặc dù sự thay đổi này diễn ra từ từ và gần như không thể nhận ra được. Kế hoạch hóa tập trung khiến cho người ta chỉ biết phục tùng, mất khả năng tư duy độc lập và phản biện, và có xu hướng thích sử dụng ngôn từ sáo rỗng dập khuôn; khiến cho người ta sợ chịu trách nhiệm cá nhân, kích thích lối sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác; khiến cho người ta mất động lực vươn lên và thay vào đó là tư duy bình quân chủ nghĩa; khiến cho người ta mất đi cảm giác phân biệt thiện – ác trong hành động và thay vào đó là các biện minh nhân danh cộng đồng hay sứ mệnh cao cả; kích thích người ta chạy theo lối sống xin xỏ, chạy chọt để hưởng đặc quyền đặc lợi, và quyền ban ơn huệ cho người khác, v.v…