Té ra, từ ngữ và chính trị quan trọng thật, giống như sự kiêng kỵ từ ngữ trong tôn giáo và húy trong thời phong kiến vậy. Theo đà đó, người ta có những cách nói rất lạ, chẳng hạn, tách “đồng chí” ra khỏi “đồng bào”, tách đảng ra khỏi quân và dân (“Toàn đảng, toàn quân, toàn dân”), tách “đồng chí” khỏi “các bạn”, phân biệt một cách có chủ ý giữa “công dân”, “nhân dân” và “dân” trong những ngữ cảnh khác nhau. Người ta nói “dân chủ nhưng phải có kỷ cương”, “dân chủ nhưng phải có luật pháp”, làm như thể dân chủ đối lập với luật pháp, song khi cần đổi màu, người ta trích nguyên văn giáo trình ra rằng “dân chủ và nhà nước pháp quyền là anh em sinh đôi”. Người ta nói đất nước có nền dân chủ gấp triệu lần các nước tư bản, song tổ chức được hình thành bởi nền dân chủ là Quốc hội thì lại được ngày càng được dân chủ hóa. Người ta nói “mở rộng dân chủ” nhưng lại không cho biết độ rộng đó là bao nhiêu và hiện tại đang “rộng” đến đâu. Người ta nói nhà nước là của dân, do dân, vì dân nhưng khi cần vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng thì lại nói nhà nước và nhân dân cùng làm. Người ta nói: “xã hội hóa” các hoạt động trong đời sống xã hội như giáo dục, văn hóa…nhưng bản chất nó đã là xã hội rồi; và từ “cách mạng” đến nay, khi đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, cá nhân và tư nhân, gia đình, làng xã, tôn giáo và có lúc cả Tổ quốc nữa, bị triệt bỏ, quốc hữu hóa, hợp tác hóa hoặc quốc doanh hóa, quốc tế hóa thì còn đường mướp nào mà không “xã hội”?