Tôi thiển nghĩ bài báo này rất có ích cho các nhà chính trị, nhà báo, bình luận thời sự, các chuyên gia kinh tế - tài chính Việt Nam suy nghĩ và tìm hiểu đâu là lẽ phải. Bởi vì trước những khó khăn kinh tế và nhiều mặt của nước ta, nhiều người chỉ tập trung nghiên cứu và kiến nghị những giải pháp đơn thuần kinh tế, những giải pháp chính trị hời hợt, cho đó là những đơn thuốc hiệu nghiệm. Nào là cần coi cổ phần hóa các cơ sở kinh tế - tài chính Quốc doanh là biện pháp cơ bản, mũi nhọn. Nào là cần minh bạch hóa các khoản thu nhập của Nhà nước, thu thuế và chi tiêu ra sao, có cơ quan quan sát, đánh giá thật nghiêm túc, chính xác, không thể để cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhận ra rằng các con số thống kê chính thức lớn nhỏ do nhà nước công bố đều đáng nghi ngờ, khi hạ thấp, khi thổi phồng quá đáng, từ nợ quốc gia, thu nhập trung bình của cá nhân, tăng tổng sản lượng hàng năm đến lương bổng các ngành và số người thất nghiệp. Có người gọi đây là cuộc khủng hoảng về thống kê, sự nhảy múa của các con số làm lệch lạc các quyết định. Có người nói đến cải cách đợt 2, rồi thay đổi mô hình, cải cách thể chế, nhưng vẫn không nói được rõ nội dung là cái gì, không dám nói lên bản chất chính trị của vấn đề, nhất là khi góp ý về các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 hiện nay.