Tôi biết tôi viết kém, vì ngay đến cái tựa đề, tôi cũng phải mượn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cũng vì tôi thích vở kịch “Còn Lại Tình Yêu” của ông, viết về người anh hùng Nguyễn Thái Học. Nhà văn viết rằng, con người làm cách mạng bất thành ấy, trước khi chết đã nói thế này: “Chỉ một mình mình tốt thôi thì nguy hiểm lắm. Người tốt bao giờ cũng yếu đuối và dễ vỡ. Những người tốt phải liên kết lại với nhau, như thế thì bọn xấu mới không làm hại được. Cái ấy gọi là chính trị đấy”. Chính trị, theo ý nghĩa đó, thật tốt đẹp thay vì là cái gì xấu xa, đáng sợ như người ta vẫn đang cố gắng làm cho thế hệ trẻ ở nước mình nghĩ. Chính trị, đơn giản như một sinh viên kinh tế đã nói với tôi, đó là vấn đề tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người (lưu ý là tạo cơ hội bình đẳng chứ không tạo sự bình đẳng), bảo vệ người tốt và chống lại cái xấu, bảo vệ người yếu và chống lại kẻ bạo ngược.
Cuối cùng thì điều đọng lại sau cuộc biểu tình bị cho là “không tồn tại” kia, là gì? Đó là tình yêu.
Và tôi thấy một bạn trẻ, rất trẻ, có lẽ tôi nên gọi là em. Em cầm cuốn sổ tay, mở rộng, trên trang bìa lót của quyển sổ có hình tấm bản đồ nước CHXHCN Việt Nam, mà em đã dùng bút dạ đỏ khoanh hai trái tim vào quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Em đi hàng đầu, tay giơ cao quyển sổ mở, thiêng liêng như đang nâng lá cờ Tổ quốc. Em cứ đi như thế, rất lâu, dưới nắng hè gay gắt làm ai cũng phải nheo mắt lại. Người em gầy, mắt em cận, mặt em nhợt nhạt và nhễ nhại mồ hôi.
Tôi đi lùi lại, tụt xuống cuối đoàn, bởi vì tôi không muốn ai nhìn thấy tôi trào nước mắt.